Quả là vị ngon của nó thật khó tả, chua chát nhưng mà chừng mực, nhai dập miếng sung mới thấy vị tỏi quyện với vị sung dìu dịu, không gắt gỏng, sực nức như cái anh tỏi sống, dùng xong xúc miệng tới mấy mươi lần vẫn thấy mùi tỏi lẩn quất đâu đây.

Tôi vẫn nhớ rõ cái đận đầu tiên được nếm sung muối. Năm đó chị chồng tôi mang con từ quê lên thi đại học, thôi thì lỉnh kỉnh nhiều thứ quà lắm, nào khoai, nào lạc, nào trứng gà, rôi nguyên cả một cây giò lụa nóng hổi tự tay chị gói.

Mãi tới khi cháu thi xong, hai mẹ con tíu tít trở về quê tôi mới phát hiện còn có một lọ sung muối bọc kín mít ở dưới gầm bếp. Cũng chẳng biết phải chế biến thế nào, cứ cắt làm tư trộn với chút nước mắm ngon ăn thay dưa cà thử một hôm xem sao. Ai dè kể từ bữa ấy cả nhà kết sung muối luôn.

Từ hôm có sung thức ăn luôn thừa đến một nửa, đĩa dưa vàng ruộm do mẹ chồng tôi tự muối cũng chịu cảnh ế ẩm. Cụ bực lắm thế nhưng chẳng có đưa nào gắp dưa để làm cụ vừa lòng bởi vì chính cụ cũng chẳng biết từ lúc nào chỉ đụng đũa vào đĩa sung muối.

Để giải quyết vại dưa, thôi thì nào biếu hàng xóm, nào hầm với sườn, với đầu cá. Cuối cùng thì dưa cũng hết. Sung muối thì còn nhưng bắt đầu vơi vơi, cả nhà bắt đầu bảo nhau ăn dè, đứa nào cuối bữa rửa bát mà đổ sung đi thì thế nào cũng bị ăn mắng.

Tôi cũng bị bố con nhà nó mè nheo vì cái tội thấy lọ sung đầy sợ không ăn hết đem san một phần cho bà bạn cùng phòng. Biết thế chẳng cho nữa, cứ tưởng để lâu sung bị chua ai dè giống quả này để càng lâu càng ngấm.

Đã vậy đến cơ quan chị bạn cùng phòng cứ bám lấy hỏi xin thêm sung. Vừa đi vừa kể lể là sao mà nó ngon thế nhỉ, chồng tao cứ bắt lùng mua bằng được kể cả giá cao.

Vậy là đâu chỉ mỗi mình nhà tôi kết sung muối. Quả là vị ngon của nó thật khó tả, chua chát nhưng mà chừng mực, nhai dập miếng sung mới thấy vị tỏi quyện với vị sung dìu dịu, không gắt gỏng, sực nức như cái anh tỏi sống, dùng xong xúc miệng tới mấy mươi lần vẫn thấy mùi tỏi lẩn quất đâu đây. Thường thì dưa, cà để quá đi vài ngày là chua loét, chỉ có mấy vị nghén ngẩm mới khoái. Vậy mà sung muối ăn lai rai trong nửa tháng mà vị vẫn không khác lắm. Có thể ăn liền cả tháng mà không chán.

Bản thân tôi bị loét dạ dày, động tí chua vào là đau thế nhưng ăn sung muối vào lại thấy rất êm. Vào mạng google "ngâm cứu" mới vỡ nhẽ ra sung còn là một vị thuốc nam, sau khi sao chế có thể chữa được viêm họng và loét dạ dày. Thảo nào nhà tôi ăn sung muối cả tháng mà vẫn cứ...vô tư.

Riêng tôi thì cà muối đã phải kiêng lâu rồi. Các cụ vẫn có câu "một quả cà bằng ba thang thuốc". Những ai ho lâu và viêm khớp mãn tính mà động đến cà thì trong người khó chịu lắm. Dưa muối tuy lành hơn nhưng ai đường ruột kém vẫn hơi ngại.

Vị chát của quả sung sẽ khiến những vị yếu bụng thêm phần an tâm nhưng nó cũng không hề gây táo bón. Không phải vô cớ ngày xưa các cụ thích trồng sung trước cửa nhà. Cây sung dễ dãi chẳng cần chăm nom vẫn lớn.

Bản thân trái sung thường đơm rất sai, nhìn rất chi là...phồn thực thế nên mới có thành ngữ "đẻ dày như sung".

Sung mọc khắp nơi vùng thôn quê vậy mà sao dân thành phố chúng tôi lại xa lạ với nó đến thế. Nếu không có món quà quê thôn dã kia tới chừng nào tôi mới biết đến vị ngon lành của trái sung muối. Thảng hoặc mới thấy một cô em nhà quê gánh sung trên phố. Gọi lại mua giá cũng phải chăng, hỏi có đắt hàng không cô bé khoe là thỉnh thoảng bán đổ được cả gánh cho mấy quán cơm có mác "đặc sản" ở khu phố cổ.

Nghe nói cũng nhiều khách gọi sung muối lắm. Thế nhưng quanh nhà tôi có mấy khu chợ lớn mà chẳng thấy hàng nào muối sung bán vì lo "chẳng có ma nào mua".

Kể cũng lạ, sung đi thẳmg từ làng quê đến nhà hàng đặc sản. Là món ăn dân dã ở thôn quê, chẳng là gì cả ở chốn thị thành thế nhưng lại là đặc sản ở mấy nhà hàng đắt đỏ.

Thân phận của quả sung kể cũng thăng trầm ra phết. Dò hỏi mấy người trong khu thì chỉ có một bà cụ biết muối sung. Té ra muối sung cũng chẳng khó gì, chẳng khác muối cà bao lăm.

Chọn được sung già là tốt nhất vì sẽ lâu bị chua, hơn nữa thịt quả rắn ăn giòn hơn sung non nhiều. Quả sung nhiều nhựa nên ngâm nước vài giờ trước khi muối.

Khác với cà, sung không ưa vị riềng. Chỉ thái lát vài củ tỏi, củ gừng rồi muối cùng. Ai thích vị cay có thể thêm vài lát ớt. Sung muối chín tới ăn với thức gì cũng hợp.

Tôm, cá thịt lợn thịt gà đều có thể dùng với sung muối. Kể cả ốc luộc ăn cùng sung muối cũng rất vào. Nếu đến Thái Nguyên bạn có thể thấy hầu như hàng ốc luộc nào cũng có sung muối bán kèm. Nam thanh nữ tú gì thì cũng miếng ốc trước, miếng sung sau, xì xụp chừng năm phút thì hết cả sung lẫn ốc.

Nhưng muốn có một mâm cơm với sung muối gây ấn tượng thì bạn chịu khó hơn một chút. Chả là sung muối rất kết mắm tép. Mắm tép phi hành chưng lên, chín mắm cho thêm gừng và vỏ quýt thái chỉ.

Có lẽ có sung muối rồi không cần khế chua nữa, chỉ cần vài cộng rau thơm, hành chẻ là đủ. Tất nhiên phải kèm thêm đĩa thịt chân giò luộc thái lát mỏng để dùng cơm luôn thể.

Khó mà tả lại được cái cảm giác khi cho vào miệng một miếng sung muối chấm với mắm tép. Không biết bao bao kẻ biệt xứ lâu năm trở về đã nghiêng ngả vì món ăn quê mùa thôn dã này. Mà nào có đắt đỏ, cầu kỳ gì đâu. Chỉ cần nữ công gia chánh "thường thường bậc trung" là có thể trổ tài trong chừng 15 phút.

Nếu cho bình chọn tôi sẽ bầu sung là đệ nhất rau quả muối. Đã từng ăn su hào, dưa chuột muối, rồi cả món mơ muối ở bên Nhật nhưng vẫn thấy kết sung muối hơn. Cũng đã từng được cô học trò ở Bắc cạn gửi xuống một lọ quả móc mật muối, hương vị độc đáo ra phết nhưng ăn lâu dài sung muối vẫn lành hơn.

Dịp Tết này chỉ mong chị chồng lại gửi cho một lọ sung muối, chỉ sợ vại hành của mẹ chồng tôi thế nào cũng ế ẩm. Chuyện, sung muối mà.

Tổng hợp