Ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, bánh mướt là món ăn được nhiều người yêu thích. Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng.

Người Nghệ An dùng bánh mướt trong những bữa ăn hằng ngày. Bánh Mướt không chỉ được bán ở các chợ cho người đi chợ mua vài cân để ăn trong gia đình mà còn được cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng, trong cả những bữa giỗ, liên hoan, đám cưới...

Bánh mướt được làm từ gạo tẻ, gạo ở đây phải đựơc ngâm trong nước sạch nhiều giờ, cho từng hạt gạo ngấm nước, nở đều và mềm rồi mới mang đi nghiền thành bột. Ngày trước bột thường được xay trong những cối đá, phải xay đi xay lại nhiều lần bột mới nhuyễn. Ngày nay hiện đại hơn, người ta nghiền bột bằng máy, vừa ít tốn thời gian mà bột cũng nhanh nhuyễn hơn.

Bột đã nghiền để làm bánh mướt

Bột nghiền xong cũng chưa thể tráng ngay thành bánh được, phải để bột lặng trong nước khoảng từ 2 giờ trở lên, người ta gọi đó là ủ bột. Ủ bột để khi tráng, bánh mới nở phồng, ăn mới dẻo dai.

Chỉ có những người dân hai tỉnh NGHỆ AN - HÀ TĨNH thì mới biết được thế nào là BÁNH MƯỚT. Trong 64 tỉnh thành phố của Việt Nam, ngoài NGHỆ AN và HÀ TĨNH thì không có tỉnh thành nào có quán/nhà hàng bán Bánh Mướt kể cả Thủ đô Hà Nội & Tp.HCM. Còn đặc biệt hơn, tên gọi Bánh Mướt cũng rất là lạ lẫm ới tất cả người dân trên toàn cõi Việt Nam ngoại trừ người dân NGHỆ AN - HÀ TĨNH

Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thử lại thấy hương vị riêng biệt, không lẫn vào đâu được.

Nhiều người coi đây là một biến dạng của bánh cuốn miền Bắc, cũng làm từ gạo xay, tráng nhân hành thịt nhưng đây là những chiếc bánh to hơn, dày dặn, quả trông như “Cái đòn xóc”. Bình thường một người chỉ cần ăn năm cái bánh Mướt là no, người khoẻ như ông hộ pháp thì cũng chỉ một tá là đủ. Nước chấm thật là đơn giản: Mắm ngon vắt chanh, pha ớt.

Nếu như ở Thanh Trì chúng ta thấy những chiếc bánh mỏng trắng tinh điểm xuyết hành khô chao lửa quá bán thơm lừng, khi ăn kèm theo vài rẻo chả quế cắt ngọt thì ở đây bánh Mướt được cắt từng khoanh  cho vào cùng thịt chó xào, ăn như bún xáo vậy. Ngoài ăn kèm thịt chó, bánh Mướt còn được chấm với xáo thịt cò băm viên với xả, ớt quấn lá gấc đun nước gừng hay ở chợ Dùng người ta ăn kèm với nước canh mọc thịt gà nấu đậm.

Có một lối ăn bánh Mướt kẹp với bánh Tráng ăn kèm với giò chả chấm nước mắm tỏi, ớt gọi là bánh Cặp hay bánh Đập Bẹt phổ biến ở Hà Tĩnh. Có hàng chục quán bánh Cặp ở thị xã nhỏ này mà nổi tiếng phải nói đến quán bà Quế được nhiều người lâu nay nhắc đến. Nghe nói bà chủ quán làm nghề từ lúc bảy, tám tuổi và nhờ nghề này mà bà đã xây được nhà cửa, nuôi con ăn học nên người. Nhiều người về đây công tác cũng đến quán nghèo của bà ăn bánh. Họ bảo, nhớ Hà Tĩnh, tức là nhớ quán bánh của bà.

Tráng bánh mướt

Nhiều nơi ở xứ Nghệ làm bánh Mướt. Có thể thấy thức bánh này ở khắp các quán xá dọc đường cùng với bánh Đúc, Bún, kẹo Cu Đơ… Nhưng chỉ có một làng được nhiều người biết đến: Làng Quy Chính, gần chợ Sa Nam (Thị trấn Nam Đàn). Bà con ở đây gọi làng này là “Làng Bánh Mướt”.

“ Ai về chợ huyện Sa Nam,
Nhớ ăn bánh Mướt cô nàng đong đưa.
Ăn năm cái bánh no vừa,
Ăn mươi chiếc bánh no cả trưa lẫn chiều.
Ăn rồi anh ngỏ lời yêu,
Cô nàng cắp thúng mà theo anh về.
Anh ăn bánh Mướt chán ghê,
Cô nàng tủm tỉm: “Đây là nghề nhà tui”!

Tổng hợp: Nghique
dacsantheomua.com

Tổng hợp