Khi số lượng phụ huynh sở hữu các mẫu thiết bị di động mới ngày càng nhiều hơn thì số lượng những bậc cha mẹ cho phép con sử dụng những thiết bị này cũng gia tăng theo.

10 tác hại khi cho trẻ sử dụng thiết bị di động quá sớm - ảnh 1Ảnh: Shutterstock
Trong thời đại của các thiết bị di động, các bậc cha mẹ ở thành thị lại có thêm một cột mốc mới để nhớ, thậm chí để khoe... trong quá trình nuôi dạy con. Đó là thời điểm của “lần đầu tiên trẻ chạm tay vào máy tính bảng”. Nói đúng hơn là lần đầu tiên trẻ biết dùng tay để mở một ứng dụng, hay một chương trình yêu thích của trẻ được cài đặt trên máy tính bảng. Đáng buồn khi đây lại là một cột mốc gây nhiều lo ngại.
Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về một thực tế đang tồn tại trong nhiều gia đình: Một số bé chỉ mới 6 tháng tuổi đã được cho làm bạn với máy tính bảng cả giờ đồng hồ. Trong một công trình nghiên cứu của Hiệp hội Hàn lâm nhi khoa (PAS), cứ 3 bé thì có 1 bé đã biết kích hoạt phần mềm trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng trước cả khi chúng nói được từ đầu tiên.
Ở những trẻ 1 tuổi, trong 7 bé có 1 bé sử dụng thiết bị di động đến cả giờ mỗi ngày. Đó là một thực tế đáng lo ngại, khi mà các nhà khoa học luôn khuyên cha mẹ không nên cho con dưới 2 tuổi tiếp xúc với bất kỳ phương tiện truyền thông nào, bao gồm truyền hình, máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Về phía các bậc phụ huynh, họ thường cho con sử dụng thiết bị di động khi muốn chuyển sự chú ý của chúng để thoát khỏi sự đeo bám của chúng, thường là khi họ phải làm công việc nhà, hay khi muốn dỗ dành chúng, hoặc... ru ngủ. Số lượng trẻ sử dụng thiết bị di động tăng tỷ lệ thuận với số tuổi của chúng. Thế nhưng chẳng có mấy ai từng trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nhi về những nguy hiểm tiềm tàng của việc sử dụng thiết bị di động quá sớm.
Đây là một hiện tượng tương đối mới nên các nhà khoa học vẫn chưa xác định được những tác hại của thói quen này đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chúng ta đều đã biết những tác hại của việc lạm dụng thiết bị di động đối với người trưởng thành. Từ đó, chúng ta có thể suy đoán rằng nếu trẻ sử dụng thiết bị di động từ khi còn nhỏ thì thói quen đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ.
Và nếu như “iPad mini” là từ đầu tiên mà con cái chúng ta nói thì xem ra tình hình đã hết sức nghiêm trọng.
10 tác hại của việc sử dụng thiết bị di động quá sớm:
1. Ảnh hưởng đến sự phát triển của não.
2. Chậm phát triển. Khi sử dụng thiết bị di động, trẻ không phải vận động nhiều nên có thể khiến cho quá trình phát triển của trẻ chậm đi.
3. Béo phì.
4. Mất ngủ.
5. Bệnh tâm thần. Lạm dụng các thiết bị công nghệ là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng số trẻ bị trầm cảm và các vấn đề về thần kinh khác.
6. Thích gây hấn. Các nội dung bạo lực trên các phương tiện truyền thông có thể khiến cho trẻ có xu hướng thích gây hấn nhiều hơn.
7. Chứng mất trí nhớ kỹ thuật số. Những nội dung được phát với mật độ dày trên các phương tiện truyền thông có thể làm giảm khả năng tập trung và mất trí nhớ, khiến trẻ không thể học tập tốt được.
8. Nghiện công nghệ. Các bậc phụ huynh mê công nghệ dễ có xu hướng lơ là và thiếu quan tâm đến con cái. Khi đó, trẻ sẽ gắn bó hơn với các thiết bị điện tử để bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm và dần dẫn tới nghiện thiết bị di động luôn.
9. Bức xạ. Tháng 5.2011, Tổ chức Sức khỏe thế giới đã xếp điện thoại di động (và các thiết bị không dây khác) vào danh mục 2B (có thể gây ung thư) do khả năng tạo bức xạ ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng.
10. Không bền vững. Trẻ em chính là tương lai của chúng ta nhưng sẽ không có tương lai cho các em nếu các bậc cha mẹ cứ tạo điều kiện để các em lạm dụng công nghệ.

Hạnh Ngân - Theo Ihay